Cân nhắc kỹ khi tước giấy phép của doanh nghiệp xăng dầu

Thị trường xăng dầu trên thế giới và trong nước vẫn diễn biến phức tạp, đã có một số doanh nghiệp đầu mối bị tước giấy phép…

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, cần đánh giá kỹ những tác động của việc rút giấy phép của doanh nghiệp xăng dầu, nhất là khi thị trường biến động, phức tạp, nhiều rủi ro…

Thị trường xăng dầu trong nước biến động mạnh theo giá thế giới trong 8 tháng qua, một số doanh nghiệp đầu mối đã bị tước giấy phép xuất nhập khẩu xăng dầu. Theo ông, quyết định xử phạt tước giấy phép của các doanh nghiệp đầu mối tại thời điểm này có cần thiết không?

Có thể nói, từ đầu năm đến nay, thị trường xăng dầu Việt Nam bị tác động nặng nề bởi thị trường thế giới. Do xung đột Nga – Ukraine, giá dầu có thời điểm lên tới 140 USD/thùng, thậm chí diesel đã lên 180 USD/thùng. Trong nước, các cơ quan quản lý giá như Bộ Công thương, Bộ Tài chính đã phải xử lý mang tính chất trực diện trong điều hành giá. Ở tầm cao hơn, Chính phủ, Quốc hội đã phải dùng đến chính sách tài khóa để giảm thuế môi trường đối với xăng, thuế nhập khẩu tối huệ quốc (MFN) cũng giảm 50%. Tóm lại, Nhà nước đã điều chỉnh chính sách thuế để bình ổn giá xăng dầu để biến động của giá dầu thế giới không tác động quá mạnh tới nền kinh tế và đời sống người dân.

Trước tình hình đó, từ đầu năm nay, Bộ Công thương đã lập các đoàn thanh tra để kiểm tra 33 doanh nghiệp đầu mối về nguồn cung và rà soát khâu cấp giấy phép cũng như điều kiện tổ chức kinh doanh xăng dầu của các đầu mối đó. Sau kiểm tra, đã có 7 doanh nghiệp đầu mối bị tước giấy phép xuất nhập khẩu xăng dầu có thời hạn. Mới đây, tiếp tục có 5 doanh nghiệp bị xử phạt hành chính.

Theo tôi, việc tước giấy phép tạm thời với các doanh nghiệp đầu mối trong bối cảnh thị trường biến động và phức tạp như vừa qua cũng cần phải tính toán kỹ càng và cần có điều chỉnh. Bởi, nếu tước giấy phép xuất nhập khẩu, cơ quan quản lý, điều hành cần có tính toán về nguồn cung xăng dầu, cân đối đủ cho thị trường để tránh thiếu hụt khi một số đầu mối không thể nhập hàng, cung ứng hàng cho hệ thống khi đã bị tước giấy phép.

Đối với 5 doanh nghiệp mới nhất bị tước giấy phép xuất nhập khẩu trong 1 tháng, Bộ Công thương sau khi cân nhắc về khó khăn của các doanh nghiệp sau dịch phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho sản xuất, tiêu dùng, đã thống nhất trước mắt xử phạt hành chính bằng phạt tiền với các doanh nghiệp này. Hình thức phạt bổ sung là tạm thời tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu với 5 doanh nghiệp vẫn áp dụng, nhưng sẽ áp dụng trong một thời điểm phù hợp.

Như vậy, việc đưa ra những hình phạt rút giấy phép hay dừng hoạt động với doanh nghiệp xăng dầu cần được đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng trên cơ sở phạm vi tác động, mức độ ảnh hưởng tới cung – cầu thị trường.

Bộ Công thương khẳng định không thiếu nguồn cung xăng dầu, nhưng vì sao vẫn xảy ra tình trạng cửa hàng xăng dầu treo biển đóng cửa, hết hàng, thưa ông?

Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu đã quy định rất chặt chẽ về xác định giá, đưa xăng dầu là mặt hàng bình ổn giá. Đã là mặt hàng bình ổn giá, thì doanh nghiệp hầu như không có quyền gì trong việc định giá, mà liên bộ sẽ ra quyết định về giá bán xăng dầu theo định kỳ 10 ngày.

Theo Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, giá xăng dầu được điều chỉnh 10 ngày/kỳ, thay vì 15 ngày như trước đây, về nguyên tắc đã tiến bộ hơn, vì 10 ngày điều chỉnh giá 1 lần thì sát hơn với thị trường. Nhưng điều đáng nói là, công thức tính giá cơ sở lại vẫn áp dụng và sử dụng chi phí được xác lập từ năm 2014, mà từ đó tới nay, mọi chi phí tăng rất mạnh (chi phí vận tải, tỷ giá, lãi suất… đều có nhiều thay đổi), đặc biệt là lạm phát, ngoài ra còn có những phụ phí thực tế của doanh nghiệp…, thì chúng ta lại chưa điều chỉnh kịp thời, dẫn đến tính thiếu cho các doanh nghiệp.

Ví dụ, đối với xăng và dầu, chúng ta tính giá cơ sở ở mức giá dầu trên 85 USD/thùng, mà hiện tại, giá dầu hơn 110 USD/thùng, có thời điểm lên 140 USD/thùng. Doanh nghiệp đã lỗ vì tính thiếu phụ phí, lại cộng với diễn biến giá lên xuống bất thường, khiến họ “chần chừ” bán hàng để theo dõi giá thế giới.

Trong bối cảnh hiện tại, nhiều doanh nghiệp mong muốn Nhà nước có thể tính toán lại biên độ điều chỉnh giá, chi phí giá cơ sở, bỏ quỹ bình ổn, hoặc đưa ra mức giá trần? Quan điểm của ông về những kiến nghị này ra sao?

Cộng các yếu tố về thị trường dầu thế giới căng thẳng do xung đột địa chính trị, giá cả biến động, thì có thể thấy, 2022 là năm hết sức dị biệt đối với mặt hàng xăng dầu.

Khác biệt với các năm là giá dầu lên xuống 1 ngày ở biên độ cực kỳ lớn, tác động cực kỳ nguy hiểm đối với những đầu mối nhập xăng dầu, tạo ra tâm lý rất lo lắng đối với các doanh nghiệp kinh doanh, nhà nhập khẩu, đầu mối phân phối xăng dầu, bởi họ hoàn toàn có thể không có lãi, thậm chí lỗ rất nặng.

Phải nhìn nhận thực tế, khi doanh nghiệp kinh doanh lỗ, thì họ sẽ không muốn bán hoặc hạn chế bán ra, dẫn tới ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường như vừa qua. Theo tôi, cần thiết phải rà soát lại chi phí kinh doanh định mức, bởi các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang bị lỗ một phần vì chi phí định mức chưa được tính toán, cập nhật đầy đủ.

Ở thời điểm hiện tại, hầu hết các đầu mối không dám đầu cơ, vì giá dầu không biết lên xuống thế nào. Nhưng, chỉ khi nào xử lý được những vấn đề bất cập bằng cơ chế thị trường, thì mới tránh được việc “găm hàng”, nghi ngờ doanh nghiệp đầu cơ.

Tôi cho rằng, kinh doanh xăng dầu đã tiệm cận theo thị trường, song với biến động trên thị trường như hiện nay, biên độ điều chỉnh giá cần ngắn hơn nữa, để về lâu dài, giá cả sớm tiệm cận theo thị trường, mà vẫn có sự quản lý của nhà nước.

Nguồn https://baodautu.vn/can-nhac-ky-khi-tuoc-giay-phep-cua-doanh-nghiep-xang-dau-d173196.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *